Giáng Sinh hay còn gọi là Noel hoặc Christmas là một ngày lễ lớn đối với văn hóa phương Tây. Ngày lễ được diễn ra chính thức vào 25 tháng 12 nhưng thường được mừng từ tối ngày 24 tháng 12 bởi theo lịch Do Thái, thời điểm tính bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm.
Lễ Giáng Sinh không chỉ đơn thuần là dịp để kỷ niệm ngày Chúa Jesus ra đời mà đây còn là một ngày lễ của mỗi gia đình - là dịp để các thành viên, các thế hệ được tụ tập, quây quần bên nhau, cùng nhau tâm sự, sẻ chia về cuộc sống, công việc và đón chào một năm mới sắp tới.
Theo lịch sử, khi Chúa Jesus ra đời tại Bethlehem, “Three Wise Men” - Ba vị vua từ phương Đông (nay thuộc lãnh thổ Iran và Syria) đã đến để bày tỏ sự thành kính của mình. Họ mang đến 3 món quà quý giá là vàng, trầm hương và mộc dược, đây cũng là ba màu sắc tượng trưng cho ngày Noel hàng năm, do đó từ cách trang trí đến lễ phục mọi người đều lấy cảm hứng từ những gam màu này.
Món quà Giáng sinh dường như đã trở thành biểu tượng của một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm. Hình ảnh ông già Noel, cây thông Noel và những món quà Giáng sinh ngọt ngào, từ lâu đã trở nên vô cùng quen thuộc với nhiều người. Mặc dù xu hướng và thị hiếu về quà tặng có thể thay đổi, nhưng việc chọn mua, chuẩn bị và trao một món quà cho gia đình, bạn bè vào ngày Noel đã trở thành nét văn hóa truyền thống, phổ biến trên toàn thế giới từ hàng nghìn năm qua.
Ngày nay với sự đa dạng của thế giới quà tặng, việc lựa chọn một món quà dành cho những người yêu thương vào những dịp đặc biệt đã không còn quá khó khăn như lúc trước. Ngoài những món quà mang tính làm đẹp như một chai nước hoa dành tặng cho bạn gái, hoặc chỉ là một chiếc mũ len đơn giản - những món quà nhỏ xinh ý nghĩa để người ấy có thể cảm nhận được sự ấm áp. Vậy đối với các tín đồ ẩm thực, làm thế nào để bạn chọn được những món quà Giáng Sinh phù hợp với họ? Sẽ trở nên dễ dàng và đơn giản hơn sau khi bạn tham khảo một số gợi ý dưới đây.
Rượu vang là món quà tinh thần giúp kết nối mọi người với nhau, đặc biệt là vào những dịp như Giáng Sinh, lễ tết. Trong không khí ấm áp của ngày Noel, những bữa ăn quây quần bên nhau cùng bạn bè và người thân thì rượu vang là thức uống không thể thiếu, là nét truyền thống của văn hóa phương Tây và đã dần trở thành thói quen của nhiều người trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Khi chọn rượu vang bạn nên tìm hiểu trước thói quen và sở thích của người được tặng: nếu người nhận đã có sở thích rõ ràng về một dòng vang nhất định, hoặc về giống nho hay vùng sản xuất, điều này sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc lựa chọn một chai vang phù hợp. Nếu người nhận có ý định sẽ dùng nó trong bữa tiệc Noel đông người, bạn hãy tặng những chai vang đơn giản, không quá cầu kỳ. Ngược lại, bạn nên chọn những chai vang có thể trữ lâu năm, quý và lạ cho người có thói quen cất giữ chai rượu để thưởng thức từ từ.
Vang sủi và vang đỏ là hai dòng vang thường gắn liền với những bàn tiệc vào đêm Giáng Sinh. Vang sủi mang đến không khí vui tươi, rộn ràng, trong khi vang đỏ vừa có sự hân hoan, vừa mang lại nét trầm ấm và lãng mạn.
Dưới đây là một số gợi ý về quà tặng rượu vang ý nghĩa:
Đồ dùng trang trí: ngày nay nhiều người thường có xu hướng thiết kế một quầy rượu mini trong nhà, hoặc chỉ đơn giản là chọn ra một góc nhỏ để bày biện “bộ sưu tập rượu vang” của mình. Khi đó, những món quà mang tính trang trí và nghệ thuật sẽ vô cùng ý nghĩa với người được tặng, đặc biệt là những tín đồ yêu vang. Kệ để rượu vang bằng kim loại mạ đồng hoặc bằng gỗ với nhiều hình dáng và kích thước khác nhau, hoặc tủ bảo quản rượu vang (wine cooler) với nhiều mẫu mã đa dạng giúp bạn có thể giữ rượu vang đúng nhiệt độ tiêu chuẩn, đặc biệt là với những chai vang giá trị cao.
Kệ để rượu vang với thiết kế độc đáo lạ mắt không chỉ là món quà tặng giáng sinh hoàn hảo còn là phụ kiện trang trí cho căn nhà bạn
Rượu mạnh mang phong cách mạnh mẽ, đậm đà và nổi bật nét cá tính riêng, với nhiều người thì đây cũng là một trong những lựa chọn quà tặng phổ biến vào ngày Giáng Sinh. Tùy vào từng đối tượng, sở thích, thói quen, ý nghĩa khác nhau, từ đó bạn có thể chọn những chai rượu phù hợp với người được tặng.
Các dòng rượu mạnh gồm có 6 loại chính như sau: Brandy, Whisky, Gin, Vodka, Rum và Tequila. Mỗi loại rượu đều được sản xuất từ các nguyên liệu đặc trưng, qua quá trình chưng cất và ủ riêng biệt để mang lại hương vị đậm nồng ấn tượng.
Set quà rượu mạnh và ly: với thiết kế đa dạng, màu sắc nổi bật, gắn liền với sự lịch lãm, và sang trọng từ dáng chai, nhãn chai, cho tới vỏ hộp bên ngoài. Mỗi loại rượu mạnh sẽ có một kiểu ly khác nhau đi cùng, nhằm mang lại cảm nhận rõ nét nhất về hương vị đặc trưng của từng loại rượu khi thưởng thức.
Hộp quà tặng cocktail và ly: đối với thế giới cocktail đầy màu sắc, rượu mạnh là nguyên liệu quan trọng để sáng tạo ra hàng ngàn công thức cocktail khác nhau. Đêm tiệc Giáng Sinh sẽ thêm phần sinh động khi có thêm sự góp mặt của các loại cocktail đa dạng. “Hộp quà tặng cocktail và ly” bao gồm một combo đầy đủ những nguyên liệu cần thiết để làm nên một món cocktail đặc biệt: 1 chai rượu Gin, tonic Fentimans, siro Torani Blue Curacao và chanh tươi, đi cùng 1 ly rock là sự kết hợp cho món cocktail cổ điển “Aquamarine Gin và Tonic”, hoặc 1 chai rượu Rum, Vodka, siro Torani và nước ép dứa, đi cùng 1 ly “Hurricane glass” đã có thể tạo ra “Blue Hawaii” sống động, đầy thu hút. “Manhattan” với Whisky, Dry Martini và Bitters, hoặc “SideCar” cùng rượu Cognac, Cointreau và chanh tươi, tất cả sẽ mang đến những bất ngờ đầy thú vị khi người nhận mở hộp quà và có thể tự tay làm cho mình những ly cocktail với đầy đủ nguyên liệu bên trong.
Dụng cụ pha chế cocktail: để làm nên những ly cocktail đầy mê hoặc, dụng cụ pha chế là những vật dụng không thể thiếu. Những loại dụng cụ phổ biến thường được sử dụng như: bình shaker (dùng để lắc, pha trộn và làm lạnh các nguyên liệu của thức uống), muỗng pha chế (khuấy các thành phần đồ uống với nhau), ly định lượng (jigger) hoặc dụng cụ lọc (strainer).
Tặng bộ dụng cụ pha cà phê dành cho các tín đồ cà phê specialty vào dịp lễ Giáng Sinh là một sự lựa chọn đúng đắn dành cho bạn
Một chiếc lò nướng pizza nhỏ gọn tiện dụng dành cho gia đình, bạn bè và cả đồng nghiệp của bạn cho ngày lễ Giáng Sinh thêm phần ý nghĩa
Pasta là một loại thực phẩm truyền thống của Ý với nhiều tên gọi, hương vị và hình dạng khác nhau, được rất nhiều người ưa chuộng trên thế giới.
Hộp quà pasta các loại: một món quà sẽ làm say lòng nhiều tín đồ ẩm thực, đặc biệt là những người yêu thích món mì ống này. Với đủ các loại pasta khác nhau trong phần quà, có thể là pasta tươi (bảo quản trong thời gian ngắn) hoặc pasta khô, từ Spaghetti, Gigli, Pappardelle đến Penne, Fusilli, Radiatori,... hứa hẹn sẽ có những đĩa pasta đa dạng, nhiều hương vị, màu sắc, cho một đêm Giáng Sinh thật sự ấn tượng.
Combo pasta chế biến sẵn: sẽ thêm phần tiện lợi và không cần mất nhiều thời gian để suy nghĩ về những món ăn, set quà tặng pasta được chế biến sẵn sẽ khiến cho người nhận cảm thấy thích thú và hài lòng. Mì ý tươi đi kèm nước xốt các loại như: sốt cà chua truyền thống, sốt tomyum với hương vị chua cay đặc trưng, phù hợp chế biến cùng hải sản, hoặc một chút lạ miệng với sốt vịt nâu, trong đó xương vịt được ninh nhừ cùng cà rốt, hành tây, cần tây và rượu vang đỏ. Chỉ cần vài thao tác đơn giản - luộc mì và trộn với nước xốt đã làm nóng trên chảo, như vậy là bạn đã hoàn thành một đĩa mì ý thơm ngon với hương vị hấp dẫn.
Máy làm pasta: thật dễ dàng để tự chế biến những món mì ý yêu thích tại nhà khi bạn sở hữu một trong những món quà tặng sau: máy trộn bột làm pasta, máy cắt mì ý hoặc máy đa năng vừa có thể trộn bột, vừa có thể cắt mì thành những hình dạng đặc trưng.
Món quà này giống như một bàn tiệc thu nhỏ, bao gồm nhiều “vùng đất ẩm thực” giao thoa. Là sự kết hợp của những món quà tặng kể trên, có thể là một Set quà gồm một chai rượu vang đỏ, một combo pasta đủ loại cùng đế bánh pizza làm từ bột nguyên cám, nước xốt vịt nâu chế biến sẵn, một ít pate vịt kiểu Pháp (duck rillettes), prosciutto và ô liu đi kèm. Chỉ cần như vậy, qua vài phút chế biến, bạn đã có một bàn tiệc đơn giản và chất lượng. Đồ ăn, rượu vang, nhạc nhẹ và vài ngọn nến, bạn đã có thể tận hưởng một không khí Giáng Sinh an lành và ấm áp cùng gia đình, bạn bè, người thân một cách trọn vẹn và nhiều ý nghĩa.
Món quà đủ đầy dành cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp vào đêm lễ Giáng Sinh cũng như chuẩn bị chào đón một năm mới an lành, vui vẻ
Continue readingChúng ta thường nghe nói đến các món ăn Confit hay thậm chí là thưởng thức những món ăn đó rồi nhưng chưa thật sự tìm hiểu sâu hơn. Vậy Confit là gì? Confit có khác gì so với cách nấu ăn thông thường? Các món ăn nào áp dụng được cách nấu Confit và nó có khó hay không? Hãy cùng Sạp tìm hiểu cách làm này nhé.
Confit được hiểu là nấu chín thực phẩm trong dầu ở nhiệt độ thấp. Nếu như ở phương pháp thông thường cần nhiệt độ cao từ 190 – 220 độ C để chiên thực phẩm thì với confit, nhiệt độ chỉ rơi vào khoảng 85 – 90 độ C. Lớp dầu mỡ hầu như chỉ tập trung ở phần ngoài thực phẩm, không ngấm sâu vào bên trong nên món ăn sẽ không quá béo ngậy.
Nấu chín thực phẩm ở nhiệt độ thấp mang đến lớp vỏ ngoài vàng giòn, các thớ thịt mềm mà không bị ngấm quá nhiều dầu
Trước khi trở thành một kỹ thuật nấu ăn được áp dụng rộng rãi, confit từng được biết đến là một phương pháp bảo quản thực phẩm nổi tiếng của dân du mục thuở xưa vùng tây nam nước Pháp. Nghĩa đen của từ Confit cũng có nghĩa là bảo quản (preserve)
Confit giúp thực phẩm được bảo quản lâu hơn
Ở thời điểm khi mà chưa có tủ lạnh hay thậm chí là thùng đá như hiện nay, người dân đã nghĩ ra cách bảo quản thực phẩm qua mùa đông lạnh và tránh lãng phí thức ăn bằng cách nấu chín thịt trong một thời gian dài. Lượng mỡ từ dầu cũng như từ giữa các thớ thịt sẽ tiết ra, tạo thành một lớp màng bao quanh miếng thịt, ngăn không cho vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào bên trong. Khi bỏ thịt cùng lớp mỡ vào thùng chứa hoặc hộp có nắp đậy kín và giữ ở nơi thoáng mát, thức ăn có thể bảo quản được đến vài tuần hoặc thậm chí là vài tháng. Đó chính là ý nghĩa ban đầu của kỹ thuật chế biến món ăn này.
Các loại nguyên liệu thích hợp với kỹ thuật confit thường là những loại thực phẩm có chứa lượng mỡ tự nhiên cao thường là thịt như thịt vịt, thịt ngỗng, cá hồi, rau củ,... Một trong những món ăn tiêu biểu cho phương pháp này chính là món Vịt Confit. Đại đa số các đầu bếp thường chỉ sử dụng phần đùi vịt để confit chứ không sử dụng toàn bộ.
Trước khi chế biến thành phẩm, họ thường ướp đùi vịt với muối và một số loại gia vị thảo mộc khác như hồi, tiêu, đinh hương, quế,... Thức ăn sẽ được nấu chín ở nhiệt độ thấp trong dầu. Đặc biệt với đùi vịt thì nhiệt độ không quá 85 độ C. Khi đó thức ăn có thể được lưu trữ trong thời gian dài hơn.
Thịt gà, thịt heo hay thịt chim cũng có thể áp dụng kỹ thuật này nhưng nó sẽ không được gọi là confit chính thống. Các loại thịt này sẽ được confit trong mỡ vịt hoặc mỡ ngỗng - còn được gọi là “en confit”. Thịt gà được nấu chín trong mỡ ngỗng người Pháp gọi là “Poulet en confit”
Bên cạnh các loại thịt, rau củ thậm chí là trái cây cũng được confit nhưng có thời gian chế biến nhanh hơn. Ví dụ như hành tây, ớt, tỏi… thì chỉ cần khoảng một giờ để confit. Tất nhiên sẽ không phải là bạn confit trái cây trong dầu mà là sẽ phủ ngập đường để làm thành kẹo trái cây
Ngày nay confit đã được áp dụng trở thành một trong những kỹ thuật chế biến món ăn theo phong cách Âu được rất nhiều đầu bếp ưa chuộng. Confit giúp cho những nguyên liệu từ thô sơ trở thành các món ăn thơm ngon và hấp dẫn hơn.
Bước 1: Bắt chảo lên bếp
Bước 2: Thêm sốt vào và đợi đến khi sôi
Bước 3: Cho đùi vịt Confit vào nấu cùng
Bước 4: Nấu từ 5-10p cho nước sốt quyện vào đùi và thưởng thức.
Hãy bắt tay vào bếp trổ tài làm các món ăn Confit cho gia đình và bạn bè cùng thưởng thức nhé. Bạn không có thời gian để nấu nướng, muốn dùng thử món Đùi Vịt Confit? Sạp đã có sẵn Hộp thức ăn sơ chế sẵn Đùi Vịt Confit Sốt Vịt Nâu dành cho bạn. Trong vòng chưa đầy 10 phút là bạn có thể thưởng thức được ngay.
Continue readingTrải qua hàng trăm năm, ly trà nước Anh vẫn đậm đà hương vị, làm say lòng người thưởng thức. Với người dân xứ sở sương mù, trà không chỉ là một loại thức uống hằng ngày, mà còn được nâng lên thành một nghi thức xã hội sang trọng. Nổi tiếng nhất có thể kể đến những buổi tiệc trà chiều - nét đẹp độc đáo lâu đời trong văn hóa nước Anh.
Nhiều tài liệu lịch sử ghi lại rằng, những buổi tiệc trà chiều bắt nguồn vào giữa thế kỷ XIX ở Anh. Theo đó, công nương xứ Bedford chính là người nghĩ ra việc uống trà và thưởng thức bánh ngọt vào các buổi chiều để xoa dịu cơn đói trước bữa ăn tối. Dần dần, bà còn mời thêm những người bạn cùng tham gia. Không lâu sau đó, hình thức thưởng trà bánh này được nhân rộng trong giới thượng lưu. Theo dòng thời gian, trà đến gần hơn với mọi tầng lớp trong xã hội và trở thành loại thức uống không thể thiếu đối với người dân nước Anh.
Người Anh có thói quen uống trà theo giờ. Đây là một trong những nét đặc sắc nhất trong văn hóa thưởng trà ở xứ sở sương mù. Một ly trà cùng với bữa ăn sáng sẽ khởi đầu cho ngày mới nhiều hứng khởi. Sau khi làm việc đến khoảng 11 giờ, họ sẽ thư giãn với tách thứ hai. Đến khoảng 4 giờ chiều, tất cả công việc dù đã hoàn thành hay chưa cũng sẽ được đặt sang một bên để nhường chỗ cho ly trà nóng như phần thưởng sau một ngày lao động, và cũng để cung cấp thêm năng lượng để hoàn thành phần việc còn dang dở.
Châu Á là quê hương của cây trà. Khi du nhập sang Châu Âu, hương vị của lá trà đã được biến tấu cho phù hợp với khí hậu, khẩu vị người dân ở mỗi quốc gia. Chính từ niềm say mê với loại thức uống tao nhã này, người Anh đã giới thiệu đến thế giới hàng loạt những nhãn hiệu nổi tiếng, được bạn bè quốc tế đón nhận. Trà đen được xem là loại trà sản xuất phổ biến nhất ở Anh, bao gồm các loại như black tea Assam, Earl Grey và English Breakfast… Lá trà đen đã được oxi hóa toàn phần, vì vậy nước trà thường có màu sẫm hơn so với trà xanh và trà ô long. Theo các nghiên cứu, các tác dụng của trà đen mang đến cho sức khỏe như kích thích não và hệ thống thần kinh, tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho hệ tiêu hóa, giúp giảm cholesterol trong máu, hỗ trợ giảm cân,...
Ngày nay, văn hóa trà chiều được phổ biến đến mọi tầng lớp người dân nước Anh và vươn ra thế giới. Nhưng bản chất của nó vẫn là hoạt động xã giao thanh lịch với những quy ước riêng.
Trà chiều ở Anh thường được phục vụ trong các sự kiện tổ chức ở nhà hàng, khách sạn, được gọi là teabreak, vừa thể hiện sự thanh lịch, đơn giản vừa sang trọng, độc đáo.
Giờ dùng trà thường từ 3 đến 5 giờ chiều. Tiệc trà chiều hay afternoon tea còn được gọi phổ biến là “low tea”, vì tiệc diễn ra ở những chiếc bàn thấp cùng ghế bành.
Nghệ thuật pha trà và nghệ thuật uống trà của người Anh Quốc cũng hết sức độc đáo khác biệt so với cách thưởng thức của người phương Đông. Trà được sử dụng trong bữa trà chiều thường là trà đen nguyên lá, được pha trong bình sứ. Người Anh thường thêm chanh, sữa, hoặc đường vào để tăng hương vị.
Đặc biệt, không thể thiếu một số loại bánh ngọt trên bàn tiệc như bánh gato, bánh kem, bánh quy, bánh nướng, bánh ngọt, hay bánh mì ổ… các loại bánh thường được cắt thành miếng nhỏ. Ngoài ra còn có thể có thêm hoa quả, thậm chí là sâm-banh.
Một trong những điểm khác biệt giữa phương Đông và phương Tây đó là tách trà phương Tây thường có tay cầm, ngược lại, ly trà phương Đông thì không có tay cầm. Nguyên nhân là do khi trà và gốm sứ nhập vào thị trường Anh Quốc thì những chiếc dĩa dùng để kê dưới ly không được nhập theo. Do đó, người Anh phải thiết kế thêm tay cầm để tránh bị bỏng. Ngoài ra, bộ tách trà Châu Âu thường được thiết kế tinh xảo, cầu kỳ.
Có thể nói, ly trà nước Anh với tất cả nét đẹp tao nhã, thanh lịch, đã trở thành biểu tượng của xứ sở sương mù, được bạn bè thế giới biết đến rộng rãi và học tập.
Khi du nhập vào Việt Nam, trà chiều kiểu Anh cũng có những biến tấu mới, để phù hợp với văn hóa địa phương. Giới trẻ ở TP.HCM, Hà Nội, và nhiều nơi khác cũng rất yêu thích loại thức uống này, cũng như sáng tạo những hình thức thưởng thức không kém phần thú vị. Không cần phải đến khách sạn sang trọng, chỉ cần một ban công, hoặc một khung cửa sổ để những tia nắng cuối ngày len vào, chuẩn bị một ít bánh ngọt và mứt thơm, pha một bình trà nóng. Bao nhiêu đó đã thành một buổi tiệc ngọt để bạn tận hưởng những giờ phút thong thả, nhẹ nhàng và trải nghiệm nét thanh nhã của văn hóa trà Anh.
Đừng quên chọn loại trà chất lượng, phù hợp với khẩu vị, sở thích. Bạn có thể tham khảo các sản phẩm trà Anh đang có sẵn tại Sạp Concept Store ngay dưới đây.
Continue readingTheo nhiều tài liệu lịch sử, đất nước Ý xinh đẹp là quê hương của mì ống pasta. Để rồi hàng trăm năm qua, loại thực phẩm này đã ngao du khắp thế giới chứng minh sức hấp dẫn của mình.
Ngày nay có đến hàng trăm loại pasta, mỗi loại mang một hình dáng riêng, một câu chuyện riêng mình để kể với thực khách bốn phương.
Câu chuyện của sợi Pappardelle bắt đầu từ thế kỷ XIV, ở vùng Tuscany, miền Trung nước Ý. Đó là vùng thôn quê xinh đẹp với những cánh đồng lúa mì trải dài tít tắp được thiên nhiên ưu đãi tạo ra loại bột hảo hạng.
Pappardelle là loại pasta dạng sợi dẹt, có thể liên tưởng như sợi ruy-băng màu vàng óng ả. Tên của món mì này xuất phát từ tiếng Ý “pappare”, một động từ có nghĩa là "ăn hết”, có lẽ để nói lên sức ngon không thể chối từ của loại thực phẩm này.
Mì Pappardelle tươi có thể được làm từ nhiều loại bột, nhưng Pappardelle khô thường được làm bằng lúa mì cứng, giúp giữ hình dạng của sợi mì trong quá trình nấu.
Món mì Ý này được thiết kế để phục vụ trên đĩa hoặc trong một chiếc bát rộng. Đây là loại pasta lý tưởng nhất để kết hợp với ragu, với hình dải ruy băng rộng rất thấm nguyên liệu, dễ dàng hòa quyện hương vị, phù hợp với các loại nước sốt đặc đậm đà như sốt gà nấm, sốt cá hồi, sốt vịt hầm, đậu Hà Lan sốt chanh thơm ngon,...
Mì Ý sợi Pappardelle với Thịt Vịt Confit Sốt Vịt Nâu
Angel Hair - Tóc thiên thần là tên gọi mỹ miều dành cho loại pasta có tên gốc trong tiếng Ý là Capelli d’Angelo, được tạo ra vào khoảng thế kỷ XIV hoặc XIX ở miền Bắc nước Ý. Dựa vào tên gọi có thể dễ dàng mường tượng hình dáng của sợi mì Ý này. Capellini có sợi dài, nhỏ màu vàng, mỏng, được đánh giá là loại pasta tinh tế nhất. Capellini có hình dáng giống sợi mì Spaghetti nhưng có màu vàng sáng hơn, và mỏng hơn rất nhiều.
Công thức nấu Spaghetti và Cappellini cũng khác nhau. Nếu Spaghetti hấp dẫn với các món Spaghetti bò bằm, Spaghetti sốt kem nấm, Spaghetti cá hồi, thì “sợi tóc thiên thần” chinh phục thực cách với nước sốt nhẹ, kết hợp các nguyên liệu như rau quả, sò điệp,... là món ăn truyền thống xuất hiện nhiều trên bàn ăn của các gia đình và nhà hàng khắp Italy.
Sợi Capellini nấu rất nhanh, phù hợp với những người bận rộn nhưng vẫn muốn vào bếp tự tay chế biến những món ăn ngon, bổ dưỡng cho bản thân và gia đình.
Mì Ý sợi Angel Hair với Vẹm Xanh Sốt Tomyum
Radiatori là một trong những loại pasta mới nhất được phát minh trong khoảng thời gian giữa Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ 2. Khó có thể nói chính xác vào năm nào, nhưng có một điều chắc chắn rằng, Radiatori là một trong những loại pasta hiếm hoi được tạo ra trong thế kỷ XX.
Hình dạng đặc biệt của Radiatori giúp nó rất linh hoạt trong chế biến. Không giống những loại pasta được tạo ra trước đó, Radiatori không cố định trong bất kỳ công thức nấu ăn nào, từ các món súp đến món salad mì Ý hoặc mì nướng… có vô số cách để sử dụng Radiatori.
Radiatori ngắn và nhỏ, khá giống với Rotini hay Fusilli. Khác biệt cơ bản là cạnh của Radiatori rất tưa, giúp thấm hút nước sốt vào trong miếng mì. Các thành phần khác như rau cắt nhỏ, pho mát và rau thơm cũng có thể bị kẹt giữa các cạnh Radiatori, mang đến vô số hương vị trong khoang miệng. Đây cũng chính là điểm giúp món pasta này càng trở nên hấp dẫn hơn.
Mì Ý sợi Radiatori với Sốt Cà Chua và Phô Mai
Mafaldine được đặt theo tên của công chúa Mafalda, con gái nhỏ của vị vua Vittorio Emanuele III. Những chiếc váy áo thiết kế ren của nàng được cho là đã truyền cảm hứng để tạo ra món mì này. Hình dạng xoăn dài của loại pasta này mang đến cảm giác vui vẻ, đáng yêu, nhưng câu chuyện của nàng Mafalda tội nghiệp lại là một câu chuyện buồn. Xinh đẹp và có học thức, Mafalda đã lên tiếng đấu tranh cho người Do Thái bị quân đội Hitler đàn áp thời kỳ đó. Tuy nhiên, khi Ý đầu hàng Đồng minh, công chúa Mafalda bị gửi đến trại tập trung ở Buchenwald. Bà mất năm 1944. Mafaldine thường được kết hợp với thịt bò đậm đà, sốt ragu cà chua, thưởng thức cùng rượu vang.
Món mì này được cho là xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1700 ở Genova, Ý.
Cùng với mì Spaghetti, mì Linguine là một trong những loại pasta phổ biến nhất, có thể kết hợp với bất kỳ loại nước sốt nhẹ nhàng nào như nước sốt bơ tỏi hoặc sốt pesto.
Chính vì đây là một loại mì được yêu thích bởi đông đảo thực khách trên thế giới, nên đã có một ngày dành riêng cho loại mì này, được gọi là Ngày Linguine.
Linguine là loại mì có hình dạng thuôn dài và phẳng hơn mì Spaghetti, nhưng không quá rộng như Fettuccine. Cái tên “Linguine” được dịch trong tiếng Ý nghĩa là “những cái lưỡi nhỏ” – từ này có vẻ thích hợp cho một món mì ngon như vậy!
Ngày nay Linguine thường được phục vụ với nước sốt rau củ hoặc hải sản, hoặc được sử dụng theo nhiều cách sáng tạo khác.
Nếu bạn cũng yêu thích loại pasta này, đừng quên thiết đãi bản thân và gia đình những đĩa Linguine ngon lành vào ngày 15 tháng 9 hằng năm để tôn vinh loại pasta này nhé!
Nhiều ý kiến cho rằng, Campanelle, hay tên gọi khác là Gigli, là loại pasta đẹp mắt nhất với hình dạng như một chiếc nón nhỏ có các cạnh xù. Trong tiếng Ý, Gigli có nghĩa là “hoa loa kèn”.
Gigli được cho là có nguồn gốc từ Tuscany. Một số nhà sản xuất mì ống ở đây tuyên bố, Gigli là món mì đặc trưng của vùng. Điều này là do hoa huệ là biểu tượng của Florence và là hình ảnh trên quốc huy của thành phố trong khoảng một nghìn năm!
Gigli được chế biến theo công thức nấu ăn điển hình của vùng Tuscany như ragu thịt, nước sốt kem hoặc nước sốt làm từ rau củ. Gigli cũng rất phù hợp cho các công thức nấu mì ống nướng.
Fusilli trong tiếng Ý có nghĩa là "trục chính”, miêu tả hình dạng xoắn và xoăn quanh một trục.
Mì ý Fusilli làm từ lúa mì cứng được sử dụng trong các món ăn cần hâm nóng lại, vì Fusilli sẽ không dễ bị nát như các loại pasta làm từ lúa mì mềm.
Fusilli đã được xuất khẩu rộng rãi sang nhiều nơi trên thế giới. Đây là một trong những loại pasta phổ biến nhất trong số các loại mì Ý có hình dạng khác thường. Fusilli rất linh hoạt trong nhà bếp, nó có thể được ăn đơn giản như một món mì ống, nhưng nó cũng có thể được sử dụng trong món salad mì ống, sau đó cho thêm vào các loại súp. Một chiếc máy làm mì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho những người đầu bếp muốn thử sức với việc làm fusilli tại nhà.
Trên đây là một số loại pasta phổ biến, được yêu thích. Ngoài ra, pasta còn có hơn 300 loại với hơn 1300 tên gọi khác nhau. Nhìn chung, pasta được chia thành các loại hình cơ bản như: Pasta dạng sợi, pasta dạng ống, pasta dạng đặc biệt, pasta dạng có nhân, dạng bản lớn,...
Đôi khi, có sự nhầm lẫn giữa pasta và spaghetti. Thực tế, spaghetti là một dạng pasta, có hình sợi tròn nhỏ, thành phần chính là bột mì Semolina, được làm từ loại cây lúa mì cứng nhất phân bố chủ yếu ở Ý.
Có rất nhiều món ăn nổi tiếng được chế biến từ mì Spaghetti như Spaghetti pho mát và tỏi băm nhỏ hoặc xay nhuyễn, Spaghetti ăn kèm với nước sốt kem, Spaghetti hải sản,..
Sau khi nghe xong những câu chuyện của các loại sợi mì Ý, nếu các bạn muốn tự tay vào bếp để chuẩn bị món ăn ngon và bổ dưỡng này cho gia đình, có thể tham khảo các loại pasta được làm từ bột nhào lúa mì hữu cơ chất lượng được nhập khẩu trực tiếp từ Ý hiện đang có mặt tại Sạp Concept Store ngay dưới đây.
Continue readingRượu vang và phô mai là hai thế giới khác nhau, mỗi thế giới là một chuỗi những cuộc phiêu lưu đầy màu sắc, ẩn chứa những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, con người và vùng đất nơi mà nó được sinh ra. Khi hai thế giới đều mang trong mình những nét đặc trưng riêng, chúng gặp nhau và kết hợp với nhau, tạo nên một mối tương quan đặc biệt. Rượu vang và phô mai không chỉ đơn thuần là những món đồ ăn, thức uống, nó còn mang lại những giá trị tinh thần đặc sắc, là đại diện cho nét đẹp vừa hiện đại vừa cổ điển, vừa truyền thống lại vừa phù hợp xu hướng, chính điều này đã dẫn dắt sự tò mò và mong muốn khám phá trong hành trình trải nghiệm hương vị của những người yêu ẩm thực trên thế giới.
Phô mai (hay còn gọi là pho mát) bao gồm ba thành phần chính là nước, chất béo và protein, được sản xuất bằng cách làm đông sữa và sau đó tách ra để chế biến. Casein (một dạng protein chất lượng cao) sau khi được tách ra sẽ tiến hành quá trình xử lý và ủ theo nhiều cách để cho ra đời nhiều loại cheese khác nhau. Trong đó, vi khuẩn, enzym đông tụ, kỹ thuật chế biến và loại sữa được sử dụng là những yếu tố đóng vai trò quan trọng.
Tùy theo từng loại phô mai sẽ có quy trình sản xuất khác nhau, nhưng dù theo phương pháp nào thì quá trình sản xuất cũng chia thành 5 giai đọan chính:
Lên men: vi khuẩn lactic sẽ được cấy vào sữa thanh trùng hoặc sữa tiệt trùng theo tỉ lệ nhất định và bắt đầu quá trình lên men. Giai đoạn này goi là axit hóa: đường lactose (có trong sữa) trải qua quá trình lên men lactic sẽ tạo thành axit lactic làm giảm độ pH của sữa.
Làm đông sữa: để thực hiện quá trình đông tụ trong sản xuất phô mai cần phải có một lượng axit lactic và men dịch vị (rennet – là enzyme trong niêm mạc dạ dày của bê, cừu non). Khi cho rennet với một lượng nhỏ vào sữa, sau một thời gian nhất định sữa sẽ đông lại thành một khối nhầy phủ gelatin, mềm dẻo, không thấm nước. Ngoài ra, axit lactic được tạo thành sau quá trình lên men ở trên làm giảm pH, đưa về môi trường có độ pH thích hợp cho hoạt động của enzym, dẫn tới sự đông tụ sữa càng xảy ra nhanh hơn.
Giai đoạn tách huyết thanh: sau quá trình đông tụ sẽ tạo thành sữa đông (phần rắn) và whey (chất lỏng). Người ta tiến hành tách sơ bộ huyết thanh sữa ra khỏi bồn đông tụ thông qua lưới lọc và lỗ thoát ở gần đáy thiết bị. Khối đông được cho vào các khuôn theo hình dạng quy định trước, sau đó các khuôn sẽ được đưa vào máy ép, dưới tác dụng của lực ép, khối đông được định hình, đồng thời huyết thanh được ép kiệt hơn để tạo thành phô mai.
Muối phô mai: phô mai được ngâm vào bể nước muối NaCl với nồng độ 18-24% trong vài ngày hoặc chà xát muối trực tiếp trên bề mặt nhằm tạo sự đồng nhất về thành phần cho khối phô mai, ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật có hại và kéo dài thời gian bảo quản.
Ủ chín phô mai (chỉ dành cho loại phô mai ủ chín): quá trình này già hóa phô mai cho đến khi đạt đến độ chín tối ưu, đồng thời nhiệt độ và độ ẩm của phòng ủ sẽ được theo dõi chặt chẽ. Những người sản xuất nhiều kinh nghiệm sẽ biết cách xử lý đúng từng loại phô mai để nó phát triển được hương vị và kết cấu mong muốn. Với một số loại phô mai, nấm mốc sẽ được cấy vào bằng cách phun (Brie) hoặc tiêm vào phô mai (Blue Cheese).
Phô mai có nguồn gốc từ các nước phương Tây và có tên gọi tiếng Anh là cheese. Ngày nay có hàng trăm loại phô mai khác nhau về hương vị, màu sắc và kết cấu, đa dạng từ cream cheese, pho mát ủ chín, cho tới pho mát dạng sợi hoặc các loại pho mát được hun khói,...
Sau đây là những cách phân loại cheese cơ bản và thường gặp:
Dựa vào hàm lượng nước trong phô mai:
Dựa vào hàm lượng chất béo:
Dựa vào phương thức sản xuất:
Kết cấu (texture) có thể được hiểu theo một cách đơn giản là những gì bạn cảm nhận trong miệng khi ăn hoặc uống: đánh giá mức độ tròn đầy, độ mượt mà, độ phức hợp của món đồ ăn hoặc đồ uống đó khi thưởng thức. Tương đồng về kết cấu và hương vị là một trong những yếu tố quan trọng khi kết hợp rượu vang và phô mai.
Một số ví dụ dưới đây sẽ giúp bạn có thể hiểu rõ hơn về khái niệm này:
Một loại pho mát có lớp vỏ hương thảo sẽ rất thú vị khi tương phản với một loại rượu vang có hương cam quýt, chanh như Picpoul. Cũng có thể là phong cách khác khi kết hợp một loại cheese thơm, béo với rượu vang có hương trái cây tươi nồng nàn. Ngoài ra, cheese có vị mặn và rượu vang ngọt cũng là một sự kết hợp mà bạn không thể bỏ qua.
Rượu vang và phô mai đến từ cùng một khu vực là sự kết hợp hoàn hảo vì chúng có chung sự hòa hợp tự nhiên vốn có. Hãy nghĩ về rượu vang Brunello và phô mai Pecorino di Pienza từ Tuscany hoặc phô mai dê từ Loire Valley kết hợp với rượu vang Sancerre từ cùng một vùng, nhất định sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm đáng nhớ.
Còn được gọi là phô mai “chưa chín” (unripened) vì được làm ra một cách nhanh chóng trong thời gian ngắn. Loại pho mát này với cấu trúc mềm, không có vỏ, được làm từ sữa bò, dê hoặc cừu. Phô mai tươi sẽ không qua giai đoạn ủ chín, có hương vị nhẹ nhàng và đơn giản.
Mozzarella: làm từ sữa trâu, có màu trắng đến hơi ngả vàng, cấu trúc mềm mại hơn các loại phô mai khác, độ ẩm trong phô mai Mozzarella khá cao nên thường được sử dụng trong khoảng thời gian ngắn. Phô mai có vị béo kèm một chút mùi ‘xanh’ của cỏ cây, dư vị ngọt nhẹ và được xem là linh hồn của những món pizza và mì ý.
Burrata: với lớp vỏ bên ngoài là Mozzarella, lớp nhân bên trong là sự kết hợp giữa Mozzarella và kem tươi. Trong tiếng Ý, Burrata có nghĩa là “bơ” nhằm nói đến hương vị ngọt béo và tươi mới của loại phô mai này.
Chèvre: được làm từ sữa dê, có kết cấu mềm, béo, vị mặn và nhiều hương thơm đặc trưng.
Feta: được làm từ sữa cừu hoặc sữa dê, có nguồn gốc từ Hy Lạp với kết cấu mềm, trắng, hương vị thơm và mặn, có thể bảo quản được lâu.
Ricotta: là một loại phô mai mịn, có vị kem nhẹ và kết cấu chắc chắn.
Những loại phô mai khác: Mascarpone, Stracchino, Boursin,...
Kết hợp với rượu vang
Vang trắng - không ngọt (dry), medium-bodied
Pinot Grigio, Sauvignon Blanc, White Burgundy, Albariño, Soave, Pinot Blanc, Muscadet, Vermentino, Verdejo, Arneis, Chardonnay
Vang ngọt vừa (off-dry) như Gewürztraminer hoặc Riesling đối với những phô mai có vị mặn như feta
Vang đỏ - không ủ gỗ sồi, độ chát thấp, light-bodied
Pinot Noir, Beaujolais, Loire Cabernet Franc, Gamay, Valpolicella, Zweigelt
Vang sủi - độ ngọt Brut, hoặc vang sủi hồng
Sự kết hợp cổ điển:
Phô mai Mozzarella di Bufala và rượu vang Greco di Tufo
Phô mai Chèvre và rượu vang Sauvignon Blanc de Touraine
Đây là loại phô mai chín từ ngoài vào trong, có màu kem đặc trưng cùng với lớp vỏ phấn mỏng màu trắng nhạt. Phô mai có vị béo ngậy, kết cấu mềm và mịn.
Brie: được đặt tên theo Brie, một vùng nhỏ của Pháp về phía đông nam của Paris. Phô mai có màu nhạt cùng với màu hơi xám ở phần vỏ phấn, hương vị rất béo và nhiều kem. Thời gian ủ càng lâu, phô mai càng khô và có hương vị nồng nàn.
Camembert: được biết đến vào thế kỷ thứ 19 và xuất xứ từ khu vực Camembert, thuộc tỉnh Normandy, nằm về phía Tây Bắc của Pháp. Thời gian ủ sẽ ngắn hơn Brie, có vị béo giống hạt dẻ và hậu ngọt.
Những loại phô mai khác: Chaource, Coeur du Neufchatel, Crottin de Chavignol,...
Phô mai chín mềm lớp vỏ phấn Camembert
Kết hợp rượu vang:
Vang trắng - không ngọt (dry), không ủ gỗ sồi, light-bodied
Chardonnay (Chablis), Sauvignon Blanc (Sancerre), Riesling, Chenin Blanc (Vouvray), Grüner Veltliner
Hunter Valley Semillon (ủ gỗ) hoặc vang trắng vùng Rhône Valley (Marsanne, Roussanne, Châteauneuf-du-Pape Blanc) sẽ kết hợp tốt với phô mai có thời gian ủ chín lâu
Vang đỏ - không ngọt, không ủ gỗ sồi, light-bodied, nhiều hương trái cây tươi
Pinot Noir, Dolcetto, Barbera, Gamay, Cabernet Franc (Loire), Bonarda, Mencía, Zweigelt
Vang sủi - NV (non-vintage) kết hợp với phô mai có thời gian ủ ngắn, ‘vintage’ kết hợp với phô mai có thời gian chín dài hơn, nồng đậm hơn
Sự kết hợp cổ điển:
Phô mai Camembert và rượu vang Chardonnay
Phô mai Brie và rượu vang Pinot Noir
Lớp vỏ phô mai sẽ được rửa qua nước muối (rượu, bia hoặc rượu mạnh) thường xuyên để vi khuẩn (B.linens) hình thành và phát triển. Lớp vỏ có màu đỏ hoặc cam, có mùi lưu huỳnh hoặc mùi “khét” riêng biệt, phô mai thường được ủ trong thời gian dài hơn để có thể phát triển các hương vị đặc trưng, nồng đậm (như mùi chuồng trại, mùi cỏ khô,...) và khi già đi phô mai sẽ trở nên mềm hơn.
Fontina: có nguồn gốc từ thung lũng Aosta nằm ở miền Nam nước Ý, Fontina bề mặt có nhiều lỗ khí nhỏ và đặc biệt là hương vị kem ngậy, hương các loại hạt tăng dần theo thời gian ủ.
Époisses: một trong những loại phô mai “bốc mùi” nhất thế giới được sản xuất tại làng Époisses và một số khu vực lân cận của Pháp. Époisses được làm từ sữa bò, sau đó ngâm nước muối và để trong hầm có độ ẩm cao. Sau khoảng một tháng, phô mai được ngâm và rửa bằng hỗn hợp nước và rượu brandy địa phương khoảng 2-3 lần/tuần, liên tục trong 6 tuần cho tới khi "chín". Époisses có vị đậm đà, béo ngậy cùng với mùi đặc trưng, đôi khi có thể gây khó chịu với nhiều người.
Reblochon: được làm từ sữa bò tươi và ủ chín theo cách truyền thống. Phô mai phải được ủ trong hầm hoặc trong hang động của dãy núi Savoy của Pháp nên mang lại hương vị cỏ cây và thảo mộc đặc trưng. Reblochon có hương thơm nhẹ, mềm nhưng không quá ngậy.
Taleggio: là phô mai đã có từ lâu đời và nổi tiếng ở Ý. Taleggio được làm từ sữa bò, chiếm tới 48% chất béo với hương thơm trái cây tươi và không quá nồng vị. Mỗi tuần một lần chúng được ngâm với nước muối để hạn chế sự phát triển của nấm và tạo ra lớp vỏ màu vàng đặc trưng.
Những loại phô mai khác: Langres, Chaume, Livarot, Munster, Vacherin de Mont d’Or,...
Kết hợp rượu vang:
Vang trắng - không ngọt (dry) hoặc ngọt vừa (off-dry), không ủ gỗ sồi
Gewurztraminer, Pinot Gris (Alsace), Chenin Blanc (Loire)
Marsanne, Roussanne, Hunter Valley Semillon, Riesling (Clare/Eden Valley, Úc) sẽ kết hợp tốt với phô mai có thời gian ủ chín lâu
Vang đỏ - light/medium-bodied
Beaujolais Villages, Pinot Noir, Gamay, Merlot, Poulsard hoặc Trousseau (Jura)
Vang sủi
Brut Franciacorta, Brut California, Cremant, Champagne, Cava
Sự kết hợp cổ điển:
Phô mai Munster và rượu vang off-dry Gewürztraminer
Phô mai Epoisses và rượu vang Sauternes
Phô mai bán mềm đa dạng về hình thức và kết cấu hơn bất kỳ loại phô mai nào khác. Được chia thành 2 dạng chính: phô mai bán mềm không có vỏ (rindless) và phô mai bán mềm có vỏ tự nhiên (natural rind), vỏ đã rửa sạch (washed rind), được tráng (coated rind) hoặc đã được xử lý.
Gruyère: là một loại Swiss cheese được đặt theo tên của thị trấn Gruyères đến từ Thụy Sĩ, được làm từ sữa bò tươi, có lớp vỏ màu vàng, vị hơi mặn và ngọt. Khi mới ủ, pho mát có hương vị của cream cheese và các loại hạt, thời gian ủ càng lâu sẽ có hương vị càng nồng đậm như mùi đất ẩm, cỏ khô,... Gruyère là loại pho mát được sử dụng để làm bánh croque Monsieur, bánh sandwich pho mát nướng kiểu Pháp cổ điển, luôn có mặt trong thực đơn của các quán ăn nhỏ ở khắp mọi nơi trên Paris.
Gouda: được làm từ sữa bò và có nguồn gốc từ Hà Lan. Phô mai có màu vàng nhạt, khi mới ủ, hương thơm rất nhẹ và vị ngọt, có độ ẩm cao và kết cấu mịn. Với phô mai chín già (aged) sẽ có kết cấu giòn và vụn hơn, vị đậm đà, béo ngậy.
Phô mai bán mềm Gouda
Mimolette: đến từ vùng Normandy, Brittany, Nord-Pas de Calais của Pháp. Với màu cam đậm đặc trưng, Mimolette có hương trái cây nồng nàn, vị béo ngậy và một ít hương caramel nhẹ.
Những loại phô mai khác: Provolone, Edam, Morbier, Havarti,...
Kết hợp rượu vang:
Vang trắng - không ngọt (dry), ủ gỗ sồi
Chardonnay, Pinot Gris, Rioja, Condrieu
Vang đỏ
Côtes de Rhône, Corbières, St-Chinian, Chianti, Mencía, Bordeaux
Sự kết hợp cổ điển:
Gruyère cheese và rượu vang Vin Jaune de Savoie
Thường được làm từ sữa bò, cừu hoặc sữa dê. Lớp vỏ có kết cấu từ mịn tới gồ ghề và có nhiều vết rổ trên bề mặt.
Cheddar: có hương thơm dịu nhẹ, vị kem và kết cấu mịn, ẩm. Cheddar cheese khi chín già sẽ trở nên béo hơn, giòn và sắc nét hơn.
Parmesan: được làm từ sữa bò và có nguồn gốc từ Ý. Phô mai có kết cấu cứng, nhám, thường được sử dụng ở dạng nghiền, khi ủ chín trong thời gian dài sẽ có nhiều hương thơm cỏ cây và các loại hạt, vị mặn và đậm đà hơn.
Phô mai cứng Permesan
Manchego: hương thơm của kem chua, trái cây và hương cỏ khỏ. Khi trưởng thành, phô mai có hương vị dịu hơn, tròn đầy hơn với một ít caramel ngọt ngào.
Những loại phô mai khác: Pecorino, Grana Padano, Beaufort, Cantal, Emmental, Comté,...
Kết hợp rượu vang:
Vang trắng - medium-bodied
Chardonnay, White Rioja, Trebbiano
Vang đỏ - medium/full-bodied
Sangiovese, Merlot, Montepulciano, Zinfandel
Vang cường hóa (fortified)
Port, Sherry
Sự kết hợp cổ điển:
Aged Cheddar cheese và rượu vang Cabernet Sauvignon
Phô mai Manchego và rượu vang Tempranillo
Continue readingRượu vang là thức uống được nhiều người ưa chuộng và phổ biến trên toàn thế giới. Lịch sử của ngành rượu vang đã có từ rất lâu đời, theo dòng thời gian thì văn hóa uống rượu vang cũng dần có nhiều thay đổi, những người yêu thích vang cũng đòi hỏi nhiều hơn ở sự tinh tế, cầu kì và sự chỉnh chu trong quá trình thưởng thức. Nắm bắt xu thế của người tiêu dùng, các nhà sản xuất đã không ngừng sáng tạo để cho ra đời các bộ sưu tập ly rượu vang ấn tượng, gắn liền với chất lượng từ trung bình đến cao cấp, giúp cho người dùng có được sự lựa chọn đa dạng và phong phú hơn.
Khi đứng trước những kệ ly trưng bày, chắc hẳn sẽ có không ít những lần bạn bị hoang mang, thậm chí không biết sẽ chọn mua như thế nào? Làm sao để phân biệt được ly rượu vang thủy tinh và ly rượu vang pha lê? Dưới đây sẽ là những thông tin cơ bản để có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về sự khác biệt này.
Thành phần cấu tạo
Thủy tinh được sản xuất từ 3 hợp chất chính: silicat SiO2, soda NaCO3 và đá vôi CaCO3. Pha lê về bản chất cũng là một loại thủy tinh, giống nhau về phương pháp sản xuất nhưng thành phần cấu tạo thì có sự khác nhau. Pha lê là thủy tinh silicat kali có trộn thêm một lượng oxit chì (PbO) và có thể là cả oxit bari (BaO) trong quá trình sản xuất. Tùy vào mục đích của nhà sản xuất và chất lượng thành phẩm mong muốn mà lượng chì có trong pha lê sẽ được điều chỉnh với các mức độ khác nhau, thường dao động trong khoảng từ 5% - 24%. Ngày nay cùng với sự cải tiến về công nghệ, người ta đã sản xuất ra một loại pha lê không chì mà thay vào đó chỉ chứa magie và kẽm nhằm đa dạng sản phẩm và tính năng của nó khi sử dụng.
Độ trong suốt
Ly pha lê thường sáng và trong hơn ly thủy tinh, vì vậy rượu vang dùng trong ly pha lê sẽ cho bạn cảm nhận rõ nét nhất về màu sắc và độ trong của rượu. Ngoài ra, do pha lê có đặc tính phản xạ ánh sáng tốt nên thường sẽ tạo nên độ lấp lánh cao khi soi dưới đèn đơn sắc hoặc xuyên qua ánh sáng mặt trời, tạo nên vẻ sang trọng và tinh tế đặc trưng. Khi được giữ ở đúng vị trí, sự khúc xạ và phân tán ánh sáng từ pha lê sẽ tạo ra cầu vồng có nhiều sắc độ. Tùy thuộc vào các tỉ lệ khác nhau, nếu lượng chì trong pha lê càng cao thì độ óng ánh của sản phẩm làm ra sẽ càng cao. Đối với ly pha lê không chì thì khả năng khúc xạ ánh sáng không cao như ly pha lê có chì, nhưng vẫn lấp lánh hơn các loại ly thủy tinh thông thường khác.
Độ trong suốt của ly vang pha lê khi nhìn dưới ánh mặt trời
Độ dày mỏng, trọng lượng ly
Bạn có thể cảm nhận rõ nét sự khác biệt này khi cầm trên tay 2 ly rượu vang pha lê và ly rượu vang thủy tinh cùng loại. Do pha lê có chứa một lượng chì nhất định nên sẽ làm tăng trọng lượng ly, vì vậy ly pha lê thường sẽ nặng hơn ly thủy tinh. Bên cạnh đó, chì cũng là yếu tố giúp làm “mềm” thủy tinh nên pha lê sẽ dễ cắt hơn, dễ kéo dài và dễ uốn khi tạo hình, vì vậy ly pha lê sẽ mỏng hơn, kiểu dáng chi tiết hơn nhưng vẫn đạt được độ bền và chắc chắn so với ly thủy tinh. Ngoài ra, độ dày mỏng của vành ly cũng là một trong những yếu tố mà người dùng sẽ quan tâm: vành ly rượu càng mỏng thì quá trình thưởng thức rượu của người dùng sẽ càng trọn vẹn hơn. Những loại ly thủy tinh chất lượng trung bình thấp thường vành ly sẽ bị cuộn hoặc gập lại, vành ly sẽ dày hơn để tăng tính bền và không thể đạt được độ mỏng so với ly rượu vang pha lê. Đây không phải là một đặc điểm mong muốn trong quá trình thưởng thức, vì sẽ khó tạo nên sự thoải mái và mượt mà cho người dùng khi cảm nhận hương vị rượu vang, do đó ly rượu thủy tinh thường có xu hướng được sản xuất và bán với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, một loại thủy tinh có tiềm năng lớn đó là thủy tinh borosilicate chất lượng cao, có độ bền, khả năng chịu nhiệt và chống xước tốt hơn nhiều so với các loại ly thủy tinh khác.
Độ bền và mức độ an toàn khi sử dụng máy rửa chén
Mặc dù ly rượu vang pha lê mỏng hơn nhưng lại có độ bền (tuổi thọ) cao hơn ly rượu vang thủy tinh cùng loại. Bên cạnh những ưu điểm vượt trội thì ly rượu vang pha lê cũng có một số điều cần lưu ý khi sử dụng: pha lê có cấu trúc phân tử rỗng khác với thủy tinh có cấu trúc phân tử đặc, chính vì vậy pha lê giòn hơn, dễ vỡ hơn, đặc biệt phải cọ rửa ly pha lê cẩn thận để tránh bị trầy xước. Vì cấu trúc phân tử rỗng nên pha lê dễ hấp thụ các phản ứng hóa học dẫn tới dễ bị ăn mòn nếu sử dụng máy rửa chén, vậy nên không dùng máy rửa chén đối với ly pha lê (ly thủy tinh thì được sử dụng bình thường vì cấu trúc phân tử không xốp và trơ). Ngày nay ly pha lê không chì (được làm từ magie và kẽm) được xem như một giải pháp thay thế ly pha lê truyền thống, nó không chỉ bền mà nhiều loại còn an toàn cho máy rửa chén vì đặc tính không chứa chì trong pha lê.
Tiếng vang khi thành ly chạm nhau
Ly rượu vang pha lê khi chạm vào nhau sẽ tạo ra tiếng vang có độ ngân dài, vang xa, thanh âm sáng, trong và sắc nét như tiếng chuông, khác với âm thanh đục, mờ của ly rượu vang thủy tinh. Điều này đã góp phần tạo nên điểm nhấn tinh tế thu hút sự chú ý của mọi người khi cùng nhau nâng ly, làm tăng thêm sự hứng khởi trong những bữa tiệc mừng với không khí vui nhộn, hoặc trong một không gian khác - chỉ là một góc nhỏ chill vang nhẹ nhàng dành riêng cho mình cùng những người yêu thương, 2 ly vang chạm nhau để lại tiếng ngân với thanh âm lâu dài, lắng đọng và nhiều cảm xúc.
Chọn ly rượu vang theo nhu cầu sử dụng
Tùy theo mục đích và nhu cầu sử dụng mà bạn có thể chọn cho mình những loại ly rượu vang phù hợp. Cụ thể như bạn sử dụng vào dịp gì, dùng tại nhà hay tại nhà hàng, dùng làm quà tặng hay cho mục đích cá nhân, từ đó có thể lựa chọn được loại ly phù hợp, mang lại hiệu quả cao nhất khi sử dụng.
Ly pha lê là lựa chọn cao cấp cho hầu hết những người thưởng thức rượu vang, nhưng nếu bạn dễ làm vỡ ly hoặc không thường xuyên uống rượu vang, thì những chiếc ly này có lẽ sẽ không thật sự cần thiết.
Nếu bạn chỉ cần một bộ ly đơn giản dùng ở nhà, không cầu kỳ, giá thành vừa phải, chất lượng trung bình, và hoàn toàn không muốn rửa ly bằng tay, thì ly rượu vang thủy tinh sẽ là sự lựa chọn hợp lý.
Nếu bạn muốn thưởng thức bữa tối bên gia đình một cách trọn vẹn, không gian ấm cúng, bên cạnh những món ăn ngon là những ly vang chất lượng, hãy chọn cho mình một bộ ly pha lê tiêu chuẩn.
Hoặc bạn muốn mua ly làm quà tặng đối tác, tặng bạn bè hay thậm chí là tặng người thân, đừng ngại ngần đầu tư một bộ ly pha lê cao cấp, vừa sang trọng lại vừa thanh lịch, tinh tế.
Tùy vào các loại rượu vang khác nhau (vang đỏ, vang trắng, vang sủi,...) sẽ có nhiều dòng ly vang khác nhau, đa dạng về kiểu dáng và kích thước để người dùng có thể dễ dàng lựa chọn. Xem chi tiết tại bài viết “Ly Thủy Tinh:Tiêu Chí Đánh Giá Chất Lượng Và Kiểu Dáng Theo Công Dụng ”
Kiểu dáng, kích thước của ly vang được thiết kế dành riêng cho từng loại rượu vang
Không chọn ly vang có quá nhiều họa tiết
Thông thường khi chọn ly vang, người ta sẽ bỏ qua các loại ly làm bằng thủy tinh mờ, có quá nhiều họa tiết trang trí, chạm khắc vì như vậy sẽ không thể hiện rõ được màu sắc và độ trong của rượu vang, một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình đánh giá và cảm nhận chất lượng rượu vang của người dùng. Khi mua ly rượu vang nên kiểm tra kĩ sự đều đặn của sản phẩm, bề mặt không có chỗ dày mỏng khác nhau và chọn lựa ly không có bọt hay bị tì vết.
Chọn ly vang có vành ly mỏng
Vành ly là điểm tiếp xúc giữa miệng của bạn và rượu vang, là điểm giao thoa đầu tiên trước khi rượu vang được đưa vào miệng để bắt đầu hành trình trải nghiệm hương vị. Ly rượu vang có vành cuộn hoặc dày sẽ ảnh hưởng đến cảm giác khi thưởng thức vang của người dùng, vành ly càng mỏng, bạn càng có thể tập trung vào rượu chứ không phải ly, tăng sự cảm nhận hương vị rượu vang một cách trọn vẹn. Nên chọn ly rượu vang pha lê hoặc thủy tinh cao cấp, có vành ly mỏng để rượu có thể lướt nhẹ nhàng vào miệng, tạo cảm giác mượt mà khi thưởng thức
Chọn nhà sản xuất uy tín
Hiện nay có rất nhiều cửa hàng bày bán các dòng ly rượu vang khác nhau, đa số sẽ được nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Khi có quá nhiều sự đa dạng về ly rượu vang trên thị trường, việc lựa chọn những nhà sản xuất uy tín là một trong những tiêu chí quan trọng mà người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Tất cả những nhà sản xuất uy tín sẽ luôn cam kết chất lượng sản phẩm từ nguồn nguyên liệu đầu vào cho tới quá trình sản xuất, mang lại sự yên tâm và an toàn cho người sử dụng.
Cách làm sạch ly rượu bằng tay
Luôn rửa sạch ly rượu bằng nước ấm và không dùng chất tẩy rửa (đặc biệt là ly pha lê). Sử dụng miếng cọ rửa dành riêng cho ly rượu vang, rửa nhẹ nhàng, tránh làm hư hỏng hoặc trầy xước ly vang.
Làm khô ly rượu bằng cách úp ngược ly lên một miếng vải lanh.
Hấp ly rượu giúp duy trì độ trong của ly.
Trước khi lau ly rượu, hãy đảm bảo rằng tay của bạn sạch sẽ và chuẩn bị sẵn khăn lau ly bên cạnh.
Chỉ sử dụng vải sợi nhỏ để lau ly rượu, nên dùng khăn chuyên dụng dành riêng cho ly uống rượu vang để tránh bụi vải hoặc bám mùi vào bầu ly, ảnh hưởng đến mùi hương và chất lượng rượu vang, đồng thời tránh gây trầy xước ly.
Dùng khăn để cầm ly trong quá trình lau ly rượu, không chạm tay trực tiếp vào ly (bầu ly, thân ly, chân ly) nhằm tránh để lại dấu vân tay hoặc bụi bẩn khi tiếp xúc. Tay trái cầm ly rượu trong khi tay phải lau ly (hoặc ngược lại), không dùng lực xoay hoặc vặn mạnh ly rượu khi lau vì sẽ dễ gây vỡ hoặc đứt gãy ly.
Cách làm sạch ly rượu bằng máy rửa chén
Luôn sắp xếp các ly rượu với những kích thước tương tự nhau để bảo vệ ly không bị va chạm vào nhau.
Làm sạch thức ăn và vết son bám trên ly trước khi cho vào máy rửa chén.
Luôn đặt ly rượu ở ngăn trên cùng của máy rửa chén.
Chiều cao của ngăn chứa máy rửa chén phải phù hợp với chiều cao của ly rượu để chúng có thể được đặt chắc chắn trong quá trình rửa.
Chỉnh nhiệt độ của máy rửa chén ở mức nhiệt thấp và bật “chế độ rửa ly” khi sử dụng.
Không bao giờ lấy ly rượu ra ngay sau khi máy rửa chén của bạn hoàn thành và luôn để ly rượu tự hấp trong một khoảng thời gian nhất định.
Để làm sạch nước còn bám trên ly rượu, hãy sử dụng khăn sợi nhỏ, là loại khăn chuyên dụng dùng để lau ly rượu vang.
Cách bảo quản ly rượu vang sau khi đã làm sạch là đặt thẳng đứng lên trên những kệ cao, hoặc treo lên những chiếc giá để ly chuyên dụng.
Trên đây là những thông tin cơ bản giúp bạn có thể hiểu rõ hơn và phân biệt được sự khác nhau giữa ly rượu vang thủy tinh và ly rượu vang pha lê, qua đó sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong quá trình chọn lựa cho mình những loại ly rượu vang ưng ý nhất.
Bạn có thể tham khảo thêm những dòng ly rượu vang hiện đang có tại Sạp dưới đây.
Continue readingCùng với sự phát triển của xã hội, đời sống tinh thần của con người cũng ngày càng được nâng cao. Văn hóa tiệc tùng đã có từ rất lâu và tùy theo đặc tính, thói quen, sở thích mà mỗi nơi trên thế giới lại có những phong cách tổ chức tiệc tại nhà khác nhau. Thay vì phải tìm đến những nhà hàng hoặc khách sạn cao cấp để có thể thưởng thức một bữa tối có rượu vang, đồ ăn và phục vụ tiêu chuẩn, bạn cũng có thể tự lên ý tưởng tổ chức những bữa tiệc tại nhà với nhiều hình thức đa dạng. Có nhiều loại hình tiệc khác nhau như tiệc sinh nhật, tiệc thôi nôi, tiệc trà, tiệc độc thân hoặc những sự kiện hoành tráng hơn như tiệc tất niên của công ty, cần không gian lớn với đầy đủ sân khấu và âm thanh ánh sáng sinh động. Tùy vào tính chất của từng bữa tiệc bạn có thể lựa chọn cho mình và khách mời những không gian tổ chức tiệc tại nhà phù hợp.
Đồ ăn, thức uống, bạn bè và những câu chuyện, tất cả sẽ được kết nối với nhau trong những bữa tiệc đơn giản được tạo nên bởi chủ nhà và khách mời, mang lại một buổi họp mặt vui vẻ và thoải mái.
Đầu tiên, hãy lên kế hoạch chi tiết
Việc lập kế hoạch sẽ giúp cho bữa tiệc của bạn được diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn. Bạn cần dành nhiều thời gian để lập danh sách chính xác cho mỗi chi tiết công việc, như vậy bạn sẽ chủ động trong việc kiểm soát thời gian và các vấn đề phát sinh một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, việc thuê nhân viên phục vụ bên ngoài hoặc liên hệ một số dịch vụ đặt tiệc tại nhà, dịch vụ dọn dẹp trước hoặc sau bữa tiệc cũng là lựa chọn mà bạn nên cân nhắc, không nhất thiết bạn phải tự tay làm tất cả mọi việc như chọn món tráng miệng, nhận hàng hóa, hoa tươi trang trí hoặc các vật dụng khác.
Dưới đây là một số mẹo hữu ích giúp các bạn có thể lên kế hoạch cho bữa tiệc một cách đơn giản và nhanh chóng:
2 tuần trước tiệc
Tạo danh sách khách mời, đảm bảo bạn có đủ món ăn tiệc để phục vụ mọi người.
Gửi lời mời đến những người tham dự tiệc.
Hãy nghĩ về bầu không khí và không gian mà bạn muốn thiết kế cho buổi tiệc. Sau đó, lên danh sách và tìm mua những món đồ cần dùng cho việc trang trí (trừ hoa).
1 tuần trước tiệc
Xác nhận tham gia từ khách mời và nhớ kiểm tra xem họ có bị dị ứng hoặc phản ứng với bất kì thành phần nào trong thức ăn hay không.
Lên kế hoạch cho thực đơn tiệc của bạn, liệt kê những gì có thể chuẩn bị trước bữa tiệc.
Hãy nghĩ xem bạn sẽ muốn món ăn của mình trông như thế nào khi được phục vụ và đảm bảo chuẩn bị sẵn dụng cụ, đĩa hoặc đồ trang trí đặc biệt mà bạn cần.
2 ngày trước tiệc
Mua rượu vang và bất kỳ đồ uống nào khác mà bạn sẽ phục vụ cho bữa tiệc và đảm bảo rằng bạn luôn có sẵn dụng cụ mở nút chai bên cạnh.
Tạo một danh sách phát nhạc được cài đặt sẵn.
1 ngày trước tiệc
Chuẩn bị những món ăn có thể chế biến trước bao gồm cả món tráng miệng.
Dọn dẹp nhà cửa, đặc biệt là những khu vực có khách (phòng ăn, phòng khách, nhà vệ sinh), đảm bảo rằng thùng rác và máy rửa bát đã trống chỗ cho ngày hôm sau.
Vào ngày diễn ra bữa tiệc
Chuẩn bị một khu vực riêng để bạn có thể bày ra tất cả các nguyên liệu, nước sốt và đồ trang trí mà bạn cần để hoàn thành các món ăn, cùng với một chiếc thớt và những con dao tốt.
Trang trí không gian tiệc, sắp xếp và bày trí bàn tiệc.
2 giờ trước tiệc
Sắp xếp tất cả thức ăn bạn đã nấu trước đó trên quầy.
Chuẩn bị một quầy đồ uống và đồ ăn nhẹ cho khách muốn thưởng thức rượu vang hoặc rượu khai vị.
Luôn có sẵn nước uống trên bàn.
Thắp nến và bật những bài nhạc đầu tiên từ danh sách phát bạn đã chuẩn bị.
Hãy uống một ly rượu vang hoặc dành một chút thời gian cho bản thân để bạn cảm thấy thư thái trong khi đợi khách đến.
Gửi lời mời đến khách tham dự tiệc
Thông qua lời mời sẽ cho phép khách mời biết được bạn đang lên kế hoạch cho điều gì đó đặc biệt dành cho họ và giúp đánh dấu sự khác biệt giữa bữa tối thông thường và bữa tiệc mà bạn sẽ tổ chức. Tùy vào mức độ trang trọng trong giao tiếp sẽ có nhiều hình thức gửi lời mời khác nhau tới khách tham dự tiệc như: email, gửi lời mời trực tiếp, in giấy hoặc viết tay,... Lời mời của bạn nên bao gồm thời gian và ngày diễn ra sự kiện, địa điểm, chủ đề của buổi tiệc và bất kì quy tắc trang phục đặc biệt nào cần lưu ý (nếu bạn đang lên kế hoạch cho một buổi tiệc với chủ đề khác biệt, lạ mắt hơn so với các buổi tiệc thông thường). Trường hợp khi khách hỏi họ có thể mang theo gì đó khi đến buổi tiệc, bạn nên cụ thể hóa yêu cầu của mình, ví dụ “vang Pinot Noir đến từ vùng Bourgogne của Pháp”.
Tạo ra bầu không khí bạn mong muốn cho buổi tiệc của mình
Trước tiên, hãy nghĩ về những nơi bạn đã từng đến, những món ăn và đồ uống bạn đã từng thưởng thức, sau đó liên tưởng về buổi tiệc mà bạn dự định sẽ tổ chức: sẽ mang không khí trang trọng hay thoải mái? Nhẹ nhàng hay náo nhiệt? Thân quen hay những người mới? Điều này liên quan rất nhiều đến việc bạn muốn khách mời của mình sẽ trải nghiệm điều gì, theo đó sẽ quyết định đến việc định hình phong cách cho buổi tiệc, từ trang trí không gian, cách sắp xếp bàn tiệc cho tới món ăn, thức uống và những bản nhạc được lựa chọn.
Hãy trở thành “người dẫn chương trình” tốt nhất trong buổi tiệc tại nhà của Bạn
Khách mời tham dự tiệc không phải tất cả mọi người đều biết nhau, là người tổ chức tiệc và chủ nhà, công việc của bạn là giới thiệu họ với nhau, giúp các vị khách làm quen và thoải mái khi trò chuyện cùng nhau, tạo nên bầu không khí cởi mở và vui vẻ trong suốt bữa tiệc. Hãy nghĩ đến việc phục vụ món tráng miệng trong phòng khách hoặc một không gian khác cách xa bàn ăn hoặc khuyến khích khách mời thay đổi vị trí trong bàn ăn để giúp mọi người hòa hợp với nhau và bắt đầu các cuộc trò chuyện mới. Nếu nhiều khách của bạn không biết nhau hoặc ngay cả khi họ biết nhau, thì cách tốt nhất để hâm nóng bầu không khí là chia sẻ một vài câu chuyện thú vị hoặc đan xen một số yếu tố vui nhộn vào buổi tiệc. Những câu chuyện về thời thơ ấu, những công việc đầu đời hay kinh nghiệm được chia sẻ trong quá khứ sẽ giúp các vị khách kết nối với nhau và khơi gợi ký ức của riêng họ để những câu chuyện cứ vậy sẽ được tiếp nối theo một cách tự nhiên nhất.
To-do-list giúp bạn chuẩn bị đầy đủ và chu đáo cho bữa tiệc
Tiệc rượu vang trang trọng theo tiêu chuẩn nhà hàng (Wine Dinner Party)
Chọn chủ đề dựa vào một số gợi ý sau:
Những loại vang khác nhau đến từ một khu vực cụ thể
Cùng một giống nho nhưng đến từ nhiều vùng vang khác nhau
Nhiều giống nho khác nhau nhưng chung một nhà sản xuất
Những loại rượu vang có chung một mức giá nhất định
Số lượng khách mời: 6-8 người
Số lượng rượu vang: 1 chai vang sủi, 2 chai vang trắng, 2 chai vang đỏ, 1 chai vang ngọt.
Vang sủi: bạn có thể chọn một chai vang sủi thông thường (Cremant, Prosecco,..) hoặc Champagne dùng làm “welcome drink” trước khi buổi tiệc bắt đầu.
Vang trắng, đỏ: tùy vào chủ đề của buổi tiệc mà bạn có thể chọn cho mình những chai vang trắng (Sauvignon Blanc, Chardonnay,...), vang đỏ (Cabernet Sauvignon, Merlot,...) khác nhau.
Vang ngọt: sau khi đã thưởng thức xong các dòng vang kể trên, vang ngọt được dùng vào cuối buổi tiệc như một loại vang tráng miệng.
Chọn ly rượu vang: 1 ly vang sủi, 2 ly vang trắng, 2 ly vang đỏ và 1 ly vang ngọt. Như đã đề cập trong bài viết trước về “Hướng dẫn cách lựa chọn ly rượu vang”, tùy vào những loại vang mà bạn đã lựa chọn theo chủ đề buổi tiệc sẽ có những loại ly uống rượu vang khác nhau tương ứng.
Chọn món ăn đi kèm: mỗi loại rượu vang khác nhau sẽ được phục vụ với những món ăn khác nhau. Món ăn được lựa chọn khi kết hợp với từng loại rượu vang phải đảm bảo được tính nhất quán, sự hòa hợp về cấu trúc và hương vị, làm nổi bật những nét đặc trưng nhất mà chai rượu vang đó mang lại, đồng thời cũng tôn lên được điểm nhấn đặc sắc của các thành phần chính có trong món ăn. Rượu vang và món ăn là những sợi dây kết nối nhằm mang lại một tổng thể hương vị trọn vẹn, tinh tế, giúp người dùng có những trải nghiệm thú vị và ấn tượng khi thưởng thức.
Phục vụ món ăn đi kèm rượu vang như thế nào cho đúng cách cũng là một trong những vấn đề mà người tổ chức cần phải quan tâm. Theo thứ tự phục vụ như trên thì vang trắng sẽ đi kèm cùng món khai vị, tiếp đến vang đỏ sẽ đi cùng những món chính và vang ngọt sẽ được kết hợp cùng món tráng miệng để tạo điểm nhấn khi kết thúc. Sau khi rót rượu và phục vụ món đầu tiên, bạn nên đợi khoảng 30-45 phút trước khi bắt đầu rót rượu và lên món tiếp theo để đảm bảo khách của bạn có đủ thời gian để cảm nhận trọn vẹn hương vị của rượu vang và đồ ăn, tạo cảm giác ngon miệng và sẵn sàng cho sự kết hợp tiếp theo.
Cách bày trí bàn tiệc
Đặt đĩa ăn ở trung tâm tính từ vị trí của khách mời, đặt nĩa bên trái đĩa ăn, dao và thìa đặt ở bên phải. Bộ dụng cụ bàn ăn được đặt theo thứ tự sẽ được sử dụng bắt đầu từ ngoài vào trong. Lưỡi dao phải hướng về phía đĩa và ngạnh nĩa hướng lên trên.
Đặt nĩa và thìa tráng miệng (kích thước nhỏ) phía trên đĩa ăn, theo thứ tự nĩa hướng về bên phải và thìa hướng về bên trái.
Một chiếc đĩa nhỏ và dao nhỏ được đặt ở góc trái phía bên trên, tính từ vị trí trung tâm của đĩa ăn, nhằm sử dụng cho những món ăn phụ như bánh mì, pate, bơ,...
Gấp khăn ăn theo cách đơn giản và đặt vào đĩa ăn ở trung tâm.
Đặt ly nước và ly rượu ở bên phải, phía trên bộ dao muỗng. Theo thứ tự đặt ly từ phải qua trái sẽ bao gồm: ly nước, ly vang sủi, ly vang trắng, ly vang đỏ và ly vang ngọt.
Cách sắp xếp bộ dụng cụ bàn ăn tiêu chuẩn
Tiệc cuối tuần cùng bạn bè, người thân (Fun House Party)
Những bữa tiệc nhỏ được tổ chức cùng gia đình và bạn bè vào dịp cuối tuần thường mang phong cách đơn giản, gần gũi và thoải mái hơn, không bị gò bó bởi những nguyên tắc bàn ăn hoặc phục vụ đồ ăn, thức uống như những buổi tiệc được tổ chức trang trọng. Thực hiện theo các mẹo cơ bản sau, buổi họp mặt cuối tuần của bạn sẽ trở nên ý nghĩa và đáng nhớ.
Lên kế hoạch trước buổi tiệc
Dù tiệc được tổ chức với quy mô lớn hoặc nhỏ thì việc lên kế hoạch luôn là điều cần thiết và quan trọng mà bất cứ người tổ chức (host) cũng phải làm trước khi bữa tiệc bắt đầu. Cho dù là tiệc trang trọng hay thoải mái, khách mời là bạn thân hay người mới quen thì bạn cũng cần phải có sự chuẩn bị chi tiết, chu đáo và lên kế hoạch một cách cẩn thận.
Chọn chủ đề: tiệc tại gia vào cuối tuần thường sẽ là tiệc đứng hoặc mọi người có thể ngồi lại cùng nhau quanh một bàn dài, cũng có thể là tiệc trong nhà hoặc được tổ chức trong sân vườn nhằm mang lại không khí vui tươi, gần gũi với thiên nhiên. Tùy vào mục đích của người tổ chức muốn những người tham dự tiệc được trải nghiệm không gian như thế nào thì sẽ chọn cho buổi tiệc một chủ đề phù hợp nhất.
Xây dựng thực đơn gồm đồ ăn và đồ uống được sử dụng trong tiệc: Chủ tiệc sẽ tự chuẩn bị đồ ăn và đồ uống, hoặc những khách mời sẽ cùng nhau nấu những món ăn mà mọi người yêu thích. Khi lên thực đơn, cần lưu ý xem xét những khách ăn chay / thuần chay của bạn và bất kỳ thành phần nào có thể gây dị ứng. Tùy vào chủ đề của buổi tiệc mà những món ăn và đồ uống sẽ xoay quanh chủ đề được chọn.
Lên danh sách các nguyên liệu cần chuẩn bị
Người tổ chức (host) thay vì tự mình chuẩn bị và làm hết tất cả mọi việc, bạn có thể yêu cầu sự giúp đỡ từ những khách mời sẽ có mặt tại buổi tiệc: yêu cầu họ mang theo đồ ăn nhẹ, trái cây, món tráng miệng hoặc một chai rượu vang mà họ yêu thích.
Liệt kệ những vật dụng cần cho việc trang trí: hoa, nến,...
Chuẩn bị sẵn những danh sách nhạc được phát
Chuẩn bị một vài câu chuyện hoặc trò chơi nhỏ để giữ không khí của buổi tiệc luôn sinh động và vui vẻ. Người chủ tiệc sẽ luôn di chuyển xung quanh để uống rượu, dùng bữa và trò chuyện với mọi người, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện và kết nối mọi người gần nhau hơn. Thức ăn ngon, bạn bè tốt và đồ uống tuyệt vời - đó là công thức đơn giản để làm nên một bữa tiệc trọn vẹn.
Cách bày trí bàn tiệc
Bàn tiệc theo phong cách tự chọn món và tự phục vụ (buffet)
Khu vực đồ ăn
Tất cả các đĩa ăn, dao, muỗng, nĩa, dụng cụ bàn ăn sẽ được đặt ở đầu bàn và cuối bàn.
Dán nhãn tên tất cả các món ăn: có thể đơn giản hoặc nhiều màu sắc, hãy trang trí chúng nếu bạn tổ chức một bữa tiệc theo chủ đề.
Đặt các đĩa nhỏ gần mỗi món ăn, là nơi dùng để đặt dụng cụ phục vụ sau mỗi lần chọn món.
Món ăn sẽ được sắp xếp từ đầu bàn tới cuối bàn theo thứ tự món khai vị, món chính và món tráng miệng.
Chiêu đãi bạn bè và gia đình với thực đơn món ăn phong phú đa dạng
Khu vực quầy bar và đồ uống không cồn
Chuẩn bị sẵn ly theo từng loại đồ uống: ly giấy hoặc ly thủy tinh để khách dễ dàng lựa chọn.
Dán nhãn tên tất cả các món đồ uống.
Đặt khăn giấy ở đầu bàn và cuối bàn.
Trang trí quầy đồ uống theo phong cách sáng tạo, màu sắc, phù hợp với chủ đề của buổi tiệc.
Bàn tiệc theo phong cách đơn giản, thường ngày
Ly rượu vang, cocktail, bia và các loại đồ uống khác thường sẽ được đặt ở khu vực riêng. Đồ ăn sẽ được bày sẵn trên bàn, mọi người sẽ ngồi lại với nhau, cùng ăn uống và chia sẻ những câu chuyện cùng nhau trong một không gian gần gũi, đơn giản và ấm cúng.
Tiệc cocktail (Cocktail Party)
Tổ chức một bữa tiệc cocktail tại nhà không cần phức tạp hay quá tốn kém. Bạn chỉ cần lên kế hoạch trước và thêm một vài điểm nhấn lạ mắt là tất cả những gì cần thiết để làm cho bữa tiệc cocktail của bạn trở nên đáng nhớ.
Tiệc hồ bơi (Pool Party)
Trong khi khái niệm lập kế hoạch đơn thuần nghe có vẻ buồn tẻ và kém hấp dẫn thì việc lên kế hoạch cho một bữa tiệc hồ bơi sẽ khiến cho bạn cảm thấy rất hào hứng và thú vị.
Lời mời: hãy dành chút thời gian để tạo ra những lời mời sôi động, khác biệt, sẽ cho thấy bữa tiệc sẽ tuyệt vời như thế nào.
Đồ trang trí: tiệc bể bơi mà không có đồ trang trí mùa hè thì còn gì bằng? Sắc màu, khác lạ, một chút phong cách nổi loạn sẽ là sự kết hợp đầy bất ngờ dành cho bạn.
Đồ uống: đa dạng các loại đồ uống khác nhau, đặc biệt không thể thiếu những loại cocktail hấp dẫn và đẹp mắt.
Phao bơi: không có lý do gì để nghĩ rằng phao chỉ dành cho trẻ em, đây là thứ bắt buộc phải có để làm nên một bữa tiệc bể bơi đáng nhớ.
Âm nhạc: không có bữa tiệc nào mà không có nhạc nền hấp dẫn và điều đó còn nhân đôi với các bữa tiệc hồ bơi.
Ghế hồ bơi: không phải ai cũng thích dành toàn bộ thời gian để ngâm mình dưới hồ bơi, vì vậy tắm nắng trên những chiếc ghế dài cũng là một lựa chọn thú vị.
Trò chơi: để nâng tầm mọi thứ, hãy cân nhắc tổ chức các trò chơi vui nhộn bên hồ bơi cho tất cả bạn bè của bạn tham gia.
Trên đây là những thông tin cơ bản về các hình thức tổ chức tiệc tại nhà khác nhau, qua đó bạn có thể dễ dàng lựa chọn cho mình những phong cách phù hợp để họp mặt người thân, bạn bè và những người yêu thương vào những dịp đặc biệt. Tham khảo một số mẫu ly rượu vang, ly cocktail hiện có mặt tại Sạp để bàn tiệc tại gia thêm sang trọng và hoàn hảo bạn nhé!
Pesto có nguồn gốc từ chữ 'pestâ' trong phương ngữ Genova ở Ý, có nghĩa là 'đập dập, nghiền nát'. Thứ sốt thơm ngon này dễ dàng kết hợp cùng mì Ý tươi, gà, hải sản hay đơn giản là phết lên bánh mì. Thành phần chính của pesto là lá húng tây (basil) được nghiền mịn cùng dầu ôliu và một số gia vị khác. Nhưng nếu bạn không thể tìm được lá húng tây tươi ở chợ, hãy thay thế bằng những loại lá xanh khác như cải bó xôi, cải xoăn, cải xoong, rau mùi, xô thơm hay thậm chí là tảo biển.
NGUYÊN LIỆU:
- 170 g lá húng tây (basil)
- 25 g hạnh nhân
- 15 g tỏi
- 50 g phô mai Parmesan
- 1 g muối
- 230 g dầu ôliu
CÁCH LÀM:
1. Xay nhuyễn: Cho lá húng tây và hạnh nhân vào máy xay và xay thật kĩ. Sau đó thêm tỏi, phô mai Parmesan và muối vào hỗn hợp, tiếp tục xay nhuyễn.
![]() |
2. Thêm dầu ôliu: Bật máy xay ở tốc độ thấp, vừa xay vừa đổ dầu ôliu vào hỗn hợp. Lưu ý đổ dầu ôliu thật chậm để sốt sánh hơn, phần dầu không bị tách ra khỏi sốt. Sốt hoàn thành khi đã xay mịn hoàn toàn nguyên liệu, nêm chút muối và tiêu nếu cần.
3. Bảo quản: Cất trong lọ kín và bảo quản tủ mát để sốt không bị đổi màu. Nếu muốn cất tủ đông thì không cho phô mai Parmesan vào khi xay, chỉ thêm phô mai khi lấy sốt ra giã đông và nấu.
![]() |
Đây là một bí quyết để cân bằng việc nấu nướng với cuộc sống bận rộn: hãy làm sẵn các loại sốt gia vị và cất trong tủ lạnh, bạn sẽ luôn sẵn sàng sáng tạo các món mì tươi hoặc bánh mì mà không tốn quá nhiều thời gian.
Tham khảo những món Sốt Gia Vị đa dạng được bếp nhà Sạp chế biến và đặt mua để làm phong phú hương vị món ăn dưới đây nhé!
Continue reading